Blog

  • Trang chủ
  • Blog
  • Cầm đồ - ngành dịch vụ “tỷ đô” đang chờ pháp lý

Cầm đồ - ngành dịch vụ “tỷ đô” đang chờ pháp lý

Đã bớt “xám”

Với tiềm lực tài chính và kinh nghiệm phong phú trong lĩnh vực cầm đồ vốn phổ biến ở nhiều quốc gia, các nhà đầu tư ngoại không chỉ mang lại nguồn vốn đáng kể, mà còn góp phần cải thiện thị trường tín dụng tiêu dùng cầm đồ còn rất “sơ khai” ở Việt Nam.

Mới đây, quỹ đầu tư Probus Opportunities (Probus) và Digi Ventures (DV) công bố hoàn tất việc đầu tư vào chuỗi cầm đồ Vietmoney (Vietmoney). Quỹ này đồng nắm giữ 30% cổ phần tại Vietmoney và có nhân sự tham gia vào HĐQT Vietmoney. Trước đó, Vietmoney đã hoàn thành việc gọi vốn ở vòng hạt giống (Pre-seeding) với sự tham gia của quỹ nội địa Indochine và các cá nhân trong nước. Chuỗi cầm đồ Vietmoney hoạt động theo mô hình O2O (Online to Offline), hiện có khoảng 12 chi nhánh hoạt động tại TPHCM và Bình Dương.

Chuỗi cầm đồ F88 cũng vừa thông báo nhận thêm 140 tỷ đồng trong vòng đầu tư tăng trưởng thứ 3 từ hai quỹ tài chính quốc tế Mekong Enterprise Fund III (do Mekong Capital tư vấn quản lý) và Granite Oak. Năm 2019, các quỹ này định giá F88 xấp xỉ 2.100 tỷ đồng. Trước đó, tháng 2/2020, F88 cho biết hoàn tất đợt phát hành trái phiếu đầu tiên năm 2020, với giá trị gần 50 tỷ đồng.

Người Bạn Vàng là thương hiệu mới trong cuộc đua giành thị phần cho vay cầm cố, với chuỗi 15 cửa hàng ở TPHCM và Bình Dương chỉ sau khoảng một năm hoạt động. Chuỗi này có kế hoạch phát triển lên 200 cửa hàng. Doanh nghiệp có sự hậu thuẫn chiến lược của công ty Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), tập trung vào nhóm khách hàng cầm cố trang sức. Các cửa hàng thuộc chuỗi này chủ yếu nằm trong các trung tâm kim hoàn PNJ. 

Với sự gia tăng đầu tư của cả dòng vốn nội và ngoại vào thị trường cầm đồ, phân khúc tín dụng tiêu dùng trị giá hàng tỷ USD này đang trở nên cạnh tranh rất “nóng”. Ngoài các tên tuổi trên, còn rất nhiều chuỗi cầm đồ thu hút được vốn ngoại như: Camdonhanh được quảng cáo là sáng lập bởi quỹ đầu tư John Galt Ventures (Mỹ); Đồng Shop Sun cũng công bố là có dòng vốn từ nhà đầu tư Nhật Bản...

Theo thống kê được công bố bởi Forbes Vietnam, số lượng cửa hàng cầm đồ tại Hà Nội xấp xỉ 1.700 và TPHCM khoảng 2.300. Mỗi tỉnh, thành phố đều có các cơ sở kinh doanh cầm đồ rải rác, hoạt động phân mảnh, lãi suất mỗi nơi một kiểu và mô hình cửa hàng nhỏ manh mún. Tuy nhiên, ngành cầm đồ gần đây đang dần giảm bớt định kiến về lãi suất cao, đòi nợ gắt gao, thay vào đó là những chuỗi uy tín, giao dịch văn minh. Thị trường cầm đồ Việt Nam đang dần bước ra ánh sáng, trở thành mảnh đất đầu tư hấp dẫn.

Một nghiên cứu đưa ra bởi Business Times cho biết, có khoảng 47 triệu người Việt vẫn chưa có tài khoản ngân hàng và cũng chưa từng tiếp xúc với các dịch vụ ngân hàng. Nếu mỗi người có nhu cầu vay 10 triệu đồng, quy mô của các thị trường có thể đạt mức 23,5 tỷ USD. Xét về tiềm năng thị trường, một báo cáo ước tính quy mô thị trường cho vay tiêu dùng cầm đồ tại Việt Nam có thể đạt từ 20 - 30 tỷ USD.

Theo Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật Basico, hiện chưa có thống kê cụ thể nào, nhưng thực tế các fintech cho vay chảy về thị trường Việt Nam ngày càng nhiều, đặc biệt là sau khi mô hình cho vay ngang hàng tại Trung Quốc sụp đổ. Hiện tại, ngoài các tổ chức tín dụng như ngân hàng hay công ty tài chính, tiệm cầm đồ dễ dàng mang đến “vé thông hành” cho các tổ chức muốn hoạt động trong lĩnh vực tín dụng tại Việt Nam.